Saturday, August 5, 2023

6-8 Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Biến Hình

6-8 Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Biến Hình

“Đây là Con Yêu Dấu của Ta: hãy nghe lời Người!” [Mk. 9:7]

Những lời này có sức mạnh như thế nào!, Thiên Chúa Cha đã ra lệnh cho mỗi người chúng ta phải biết tuân theo lời Chúa Giêsu.

            Thưa quý Ông bà và anh chị em trong Chúa Kitô,  Thánh Lễ hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến “Sự Biến Hình của Chúa GIếu trên núi Tabor.” Cầu xin ân sủng của Đức Chúa Cha thắp sáng lên tấm lòng của quý ÔBACE khi chúng ta lắng nghe sứ điệp của ngày lễ đặc biệt này, một ngày lễ vang vọng vinh quang đang chờ đón con cái Chúa trong Vương quốc Thiên đàng đời đời.

Năm nay, chúng ta nghe Bài Tin Mừng của Thánh Mátthêu về sự việc Chúa Biến Hình. Trong câu chuyện này, chúng ta có một bức tranh thu nhỏ về toàn bộ Phúc Âm, và một bức tranh thu nhỏ về cách thức mà Thiên Chúa luôn luôn làm cho Sự Mặc Khải Thiêng Liêng của Ngài được biết đến.

Thiên Chúa giống như các bậc cha mẹ luôn yêu thương, và muốn chúng ta chia sẻ tình yêu của Ngài, nhưng đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta bước vào tình yêu đó một cách tự do nhất có thể. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta tự ý đến với Ngài, bởi vì càng tự do đến với Ngài, chúng ta càng lớn lên trong tình yêu của Ngài. Nhưng là cha mẹ hay biết yêu thương và thấu hiểu, Chúa biết chúng ta thường yếu đuối và cần sự giúp đỡ của Ngài. Đúng là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một trí tuệ để nhờ đó chúng ta có thể tự lực suy luận rằng Thiên Chúa  hiện hữu, rằng Ngài yêu thương chúng ta và Ngài muốn chúng ta bắt chước tình yêu đó. Cũng đúng là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ý chí tự do để bắt chước Ngài, ngay cả khi chúng ta không được hoàn hảo. Tuy nhiên, vì lý trí và ý chí con người chúng ta thường rất yếu đuối, nên Thiên Chúa không ngừng cho chúng ta những dấu hiệu về sự hiện diện của Ngài, để nhắc nhở chúng ta Ngài là ai và Ngài yêu thương chúng ta biết bao.

Thiên Chúa không phải chỉ truyền cảm hứng cho những người viết các Sách Thánh, nhưng Ngài làm như vậy để ghi lại cho chúng ta tình yêu của Ngài. Thiên Chúa không cần phải chọn mười hai người làm tông đồ của Ngài, để chia sẻ các Bí tích tình yêu của Ngài. Nhưng Ngài đã làm như vậy để củng cố chúng ta trong cuộc sống trần thế này của chúng ta, vì chúng ta phải đối mặt với rất nhiều đau khổ, thất vọng và thất bại trong cuộc sống.

Đức Chúa Con đã biến hình trước mắt ba người trong số các Tông đồ này không phải chỉ để họ có thể nói: “chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Sự Biến Hình xảy ra để các tông đồ nghe tiếng Chúa Cha phán: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người." Vậy mà sau khi xuống núi, Chúa Giêsu nói gì mà các tông đồ cần lắng nghe? Ngài hướng sự chú ý của họ đến cái chết của Ngài trên Thập giá. Toàn cảnh việc Biến Hình của Chúa Giêsu là khúc dạo đầu cho cuộc khổ nạn của Ngài trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong lời Chúa Giêsu nói với ba Tông đồ khi đi xuống núi, nhưng cũng là một lời hứa về vinh quang của Chúa Nhật Phục Sinh trong ánh hào quang của Chúa Giêsu hiện ra trên đỉnh núi.

Mầu nhiệm Biến hình có thể được xếp vào loại cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa soi sáng chúng ta trong những thời khắc khó khăn của cuộc đời. Thông thường, ý nghĩa không có sẵn, nhưng mở ra khi cuộc sống tiếp diễn. Chúa Giêsu Kitô đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc cho ba Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan; Đừng nói với ai về thị kiến cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết. Chắc hẳn các Tông đồ đã rất khổ sở và khó khăn để giữ bí mật này với các Tông đồ khác. Ai biết được, những người khác có thể yêu cầu được biết nơi ba người họ những gì đã xảy ra trên núi. Cũng có thể chính ba tông đồ đang cố giải thích ý nghĩa của cuộc gặp gỡ và biến hình trên núi. Sau khi phục sinh, ông Phêrô đã thú nhận trong lá thư mục vụ thứ hai của mình, về cuộc gặp gỡ. Thánh Phêrô nói về cuộc gặp gỡ này như là '... ngọn đèn soi đường trong bóng tối cho đến khi bình minh ló dạng và sao mai mọc trong tâm trí bạn'. Đó là một cuộc gặp gỡ đã hướng dẫn tâm trí của ông Phêrô trong suốt chức vụ của Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc gặp gỡ đã mạc khải Đức Giêsu Kitô cho Phêrô. Kinh nghiệm đã cho ông một lăng kính để nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.

Khi chúng ta dự phần trong Bí tích Thánh Thể, lễ vật hy sinh của Đấng Cứu Thế trên Thập tự giá, Thiên Chúa là Cha yêu thương của chúng ta nuôi dưỡng chúng ta bằng sự sống của Con Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta thấy việc Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor mang nhiều ý nghĩa hơn thế nào. Sự kiện thiêng liêng này từ cuộc đời trần thế của Chúa Kitô báo trước sự biến đổi cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá thành quyền năng Phục sinh của Ngài. Đổi lại, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mang sức mạnh biến đổi những hy sinh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta thành việc mở ra cuộc đời chúng ta cho sự sống thần linh của Thiên Chúa.

No comments:

Post a Comment